Cờ vua là một môn thể thao trí lực, là cuộc đấu trí chủ yếu giữa hai đấu thủ trên phạm vi bàn cờ. Trong quá trình thi đấu, hai đấu thủ không chỉ đua tranh với nhau về năng lực thi đấu (sự chuẩn bị thể lực, kỹ, chiến thuật, chiến lược và tâm lý thi đấu), mà còn là sự đấu trí quyết liệt về năng lực tính toán, phán đoán sự đáp trả của đối phương sau mỗi nước cờ.
Với đặc thù là một môn thể thao trí tuệ, lượng vận động chủ yếu là lượng vận động tâm lý tác động trực tiếp vào quá trình tư duy của người tập, cho thấy sự tác động rõ nét của môn cờ vua đến năng lực trí tuệ nói riêng (đặc biệt là năng lực tư duy) và các năng lực tâm lý nói chung.
Theo nghiên cứu của tiến sỹ Nguyễn Hồng Dương thì cấu trúc năng lực tư duy trong Cờ vua gồm các nhóm phần sau:
- Nhóm năng lực tư duy logic;
- Nhóm năng lực tư duy khái quát;
- Nhóm năng lực chuyển đổi tư duy ngôn ngữ;
- Nhóm năng lực tư duy sáng tạo.
Trong quá trình học, tập luyện cờ vua, khả năng tư duy và trực giác được phát triển, trí nhớ linh hoạt hơn, bền vững hơn và dung lượng ghi nhớ lớn hơn. Khả năng tập trung chú ý được phát triển và hoàn thiện. Cờ vua giúp đẩy mạnh việc tập trung suy nghĩ, khả năng lựa chọn quyết định, góp phần tạo nên ý chí, tính quyết đoán và độ ổn định về cảm xúc. Vì vậy, việc dạy học có định hướng đối với người học chơi cờ sẽ cho phép phát triển các nhóm năng lực tư duy trên một cách có chủ đích, giúp phát triển tư duy người học.
Hiện nay có rất nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học về lợi ích của cờ vua đối với việc phát triển các năng lực tư duy nói riêng cũng như những năng lực tâm lý nói chung, đặc biệt đối với trẻ em. Bài viết xin trích dẫn một số các công trình nghiên cứu sau:
Một nghiên cứu tại Bỉ vào các năm 1974-1976 của Tiến sĩ Adriaan de Groot, tiến hành thử nghiệm dạy cờ vua trên một nhóm học sinh lớp năm. Kết quả thu được là nhóm học sinh trên tăng đáng kể về khả năng nhận thức cũng như khả năng kiểm soát hành vi so với nhóm không học chơi cờ. Đặc biệt các em học sinh này có kết quả tốt hơn trong các đợt kiểm tra thường xuyên của nhà trường. Nghiên cứu đã chứng minh rõ ràng rằng: Việc chơi cờ ở các lớp tiểu học có tác động tích cực đến động lực và thành tích học nói chung của học sinh.
Vào các năm 1979-1983 một nghiên cứu tại Venezuela Với khoảng 100.000 giáo viên được đào tạo để giảng dạy kỹ năng tư duy cho trẻ em. Đối tượng nghiên cứu là 4.266 học sinh lớp hai. Kết quả cho thấy Cờ vua là một phương pháp giảng dạy, là một hệ thống động lực đủ để đẩy nhanh tiến độ tăng chỉ số IQ ở trẻ em độ tuổi tiểu học của cả hai giới và không phân biệt đẳng cấp xã hội. Nói cách khác, cờ vua làm cho trẻ em thông minh hơn!
Trong thời gian 1987-1988 nghiên cứu: “Phát triển khả năng lý luận và trí não thông qua Cờ vua”, tất cả học sinh trong vùng nông thôn tại Pennsylvania vào thứ sáu đã được yêu cầu tham gia lớp học riêng với việc học cờ vua và và chơi trò chơi (lưu ý các học sinh này chưa từng chơi Cờ vua). Các em học sinh này cải thiện đáng kể trong khả năng tư duy cũng như diễn đạt bằng lời nói. Những kết quả này cho thấy rằng chuyển giao các kỹ năng bồi dưỡng thông qua các chương trình giảng dạy cờ vua đã xảy ra rất tốt.
Cờ vua không chỉ có tác dụng phát triển tốt về mặt tư duy đối với trẻ em mà nó cũng có những tác dụng tương tự đối với đối tượng là học sinh trung học, sinh viên thậm chí là người trưởng thành. Ví dụ như trong nghiên cứu Zaire do Tiến sĩ Albert Frank thực hiện vào các năm 1973-1974. Với 92 sinh viên, tuổi 16-18. các Sinh viên chia làm hai nhóm thực nghiệm và đối chứng (nhóm thực nghiệm được học Cờ Vua). Sau một thời gian, nhóm thực nghiệm cho thấy một tiến bộ đáng kể về tư duy khái quát (định hướng không gian) và tư duy ngôn ngữ so với nhóm đối chứng Những tiến bộ này không hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ kỹ năng chơi cờ mà sinh viên đó đạt được vào cuối khóa học.
Một nghiên cứu khác vào năm 1977-1979 tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong của Tiến sĩ Fung Yee Wang đã cho thấy người chơi cờ vua có một sự cải thiện đáng kể điểm thi trong các môn khoa học và toán học (khoảng15%). Ngoài ra học sinh, sinh viên sau một năm tập luyện cờ vua liên tục thì lòng tự trọng, tính kỷ luật, khả năng tư duy tăng nên đáng kể (đặc biệt là khả năng ghi nhớ, tư duy khái quát, kỹ năng tổ chức và trí tưởng tượng).
Từ những phân tích trên cho thấy cờ vua là một môn thể thao có tác dụng rất tốt trong việc phát triển các năng lực tư duy và năng lực tâm lý của người học. Cờ vua không chỉ là một trò chơi giải trí lành mạnh trong những lúc nhàn rỗi, giúp người học nâng cao khả năng học các môn khoa học tự nhiên mà còn là một phương tiện rất tốt trong việc giúp người chơi phát triển tư duy, rèn luyện tính kỷ luật, lòng tự trọng và tinh thần độc lập.