Trong chúng ta, có lẽ rằng bất kì ai cũng đã từng cố gắng để bắt đầu một thói quen nào đó như tập thể dục, bỏ hút thuốc hoặc thay đổi lại giờ giấc sinh học. Chính xác thì những thói quen này là một chuỗi phản xạ có điều kiện do rèn luyện mà có. Phản xạ có điều kiện là những hành vi (nếp sống, phương pháp làm việc) được lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống, sau đó chúng ta tiếp tục lặp lại chúng như một phần của cuộc sống.
Thử thách cực kì đơn giản: thức dậy vào lúc 4:30 sáng mỗi ngày, 21 ngày liên tiếp – tôi tự đặt tên cho thử thác này là #21earlydays. Bình thường tôi cũng dậy sớm rồi (6h30' sáng mỗi ngày), nhưng bây giờ tôi muốn mình dậy sớm hơn nữa. Tôi muốn thử thách bản thân và xem xem mức giới hạn chịu đựng của mình đến đâu. Ngoài ra, thông qua thử thách này tôi còn muốn ‘khoe’ về sự tiến bộ của bản thân tới mọi người, cũng như cố gắng thay đổi một số định kiến của xã hội.
Tôi quyết định thực hiện thử thách này chỉ trong những ngày đi làm thôi, vì tôi biết rằng thứ 7 và chủ nhật tôi có một nhịp đồng hồ sinh học khác với ngày thường. Cuối tuần thi thoảng tôi cũng dành thời gian cho công việc, nhưng đa phần tôi dành cho các hoạt động giải trí khác, mà các hoạt động đó thì thường kéo dài xuyên đêm. Thật ra tôi thực hiện thử thách này tất cả các ngày cũng được, nhưng tôi vẫn muốn cân bằng cuộc sống của mình.
Vậy tại sao lại là 21 ngày mà không phải con số khác? Con số này tôi dựa vào một nghiên cứu của tiến sĩ Maxwell Maltz, nghiên cứu cho rằng bạn cần ít nhất 21 ngày để có thể thuần phục một thói quen mới (không đúng với mọi thói quen). Tôi chẳng cần biết nó có đúng hay không, nhưng ít nhất là tôi cũng có một con số ngày nhất định để phấn đấu. Có một bài học tôi luôn áp dụng vào mọi vấn đề, đấy là phải luôn đặt mục tiêu cho mọi việc mình làm, có như thế thì sau một khoảng thời gian mục tiêu mới biết được là mình đã thành công hay thất bại.
Mục đích cuối cùng của thử thách này là gì? Đó là cải thiện hiệu suất làm việc và giúp tôi có nhiều thời gian trong ngày hơn. Tôi luôn tìm mọi cách để cải thiện công việc và cuộc sống của mình. Tôi được bạn bè biết đến từ lâu như một người rất hay dậy sớm rồi, và tôi vẫn muốn mình dậy sớm hơn nữa để xem mình có cải thiện được hiệu suất làm việc của bản thân không.
Thế rốt cục, tôi đã học được những gì qua thử thách này. Câu trả lời là NHIỀU LẮM:
1. Nếu bạn muốn thay đổi điều gì đó ở bản thân, hãy tìm kiếm sự ủng hộ xung quanh mình.
Có sự ủng hộ của bạn bè và mọi người xung quanh, bạn sẽ hạn chế bỏ cuộc vì chán nản hơn. Trong trường hợp của tôi, tôi đã viết một cái status trên Facebook chia sẻ public với mọi người là tôi sẽ thực hiện thử thách dậy sớm 21 ngày vào lúc 4.30 sáng. Thật ra thì chỉ mình tôi tự biết thôi cũng được, nhưng nếu càng nhiều người biết, thì đó vừa là động lực vừa là sự quan sát giúp tôi khó bỏ cuộc hơn.
Khi mà bạn chia sẻ về mục tiêu của bạn, mọi người sẽ dành thời gian hỏi han bạn nhiều hơn. Và nếu bạn là một người không muốn làm thất vọng bạn bè của mình, thì chắc chắn bạn sẽ có nhiều năng lượng hơn để không bỏ cuộc.
2. Ai cũng thích của lạ.
Với nhiều người, dậy sớm chắc chắn là điều không bình thường (đặc biệt với giới trẻ), thế nên khi tôi nói trên Facebook là tôi sẽ tự dậy sớm vào 4h30 mỗi sáng, rất nhiều người đã vào comment trên status của tôi. Mọi người lo lắng. Mọi người hỏi một đống câu hỏi. Và mọi người nghĩ rằng họ chẳng thể nào làm được điều này. Chính những sự tương tác qua lại này với người khác sẽ giúp bạn có nhiều động lực hơn để thực hiện thử thách của mình.
3. Mọi người không thích dậy sớm vì dậy sớm đồng nghĩa với ngủ ít đi.
Khi mới nghe ý tưởng của tôi, nhiều người tỏ ra lo lắng. Chủ yếu vấn đề lo lắng là: thời gian tôi dành cho việc ngủ. Đương nhiên là tôi phải có kế hoạch cụ thể chứ. Tôi biết rất rõ cơ thể của mình, vì vậy khi tôi thay đổi giờ thức dậy, thì tôi cũng phải thay đổi giờ lên giường. Quá đơn giản luôn.
Bình thường tôi ngủ khoảng 6-7 tiếng mỗi ngày, và khi thực hiện thử thác #21earlydays, tôi cũng dành đúng thời gian như vậy cho việc ngủ. Điều đó có nghĩa là, thay vì 12 giờ, 1h sáng mới ngủ, tôi lên giường vào lúc 9h30 hoặc 10h. Thậm chí tôi còn ngủ nhiều hơn cả lúc chưa thực hiện thử thách.
4. Loại bỏ mọi trở ngại.
Mọi người thường nghĩ rằng, việc thực hiện được thử thách này là điệp vụ bất khả thi. Đúng là trong mội vài trường hợp thì nó sẽ khó khăn hơn thật. Tuy nhiên cá nhân tôi nghĩ là, quan trọng là bạn có thực sự muốn hay không, nếu bạn thực sự muốn thì không có gì là không thể cả.
Đúng là tôi có nhiều lợi thế hơn mọi người để thực hiện thử thách này. Thứ nhất là tôi còn độc thân, lại chẳng vướng bận con cái và vì thế hoàn toàn có thể kiếm soát được giờ giấc của chính bản thân mình. Nhưng tôi có được những điều này vì chính tôi đã tạo ra nó.
Khi tôi còn ở với bố mẹ, thử thách này có vẻ khó vì tôi còn phụ thuộc vào bố mẹ và mọi người xung quanh. Vì vậy tôi quyết định chọn thực hiện thử thách vào thời điểm mà tôi cho rằng là phù hợp nhất. Hãy nghĩ về tất cả những thứ đã ngăn cản bạn thực hiện thành công một mục tiêu của bản thân, cho dù bạn rất muốn đạt được điều đó. Ví dụ như bỏ thuốc, tập gym hay đơn giản là ăn nhiều rau hơn.
Tìm cách loại bỏ những trở ngại sẽ giúp bạn dễ dàng hơn để hoàn thành mục tiêu. Trong trường hợp của tôi, để đạt được mục tiêu này, tôi biết mình cần phải có một vài điều kiện sau: hoàn toàn tự lập về giờ giấc của bản thân, khả năng lên giường đi ngủ bất kì giờ nào tôi muốn mà không bị làm phiền và khả năng làm việc ở bất cứ đâu, bất cứ giờ nào tôi muốn – tôi có tất cả những điều trên.
Tôi thường làm việc ở các dự án startups, điều đó có nghĩa là tôi rất linh hoạt về thời gian, và đó là lý do vì sao tôi có thể làm việc từ 4h30 sáng. Việc linh hoạt về giờ giấc này có thể giúp tôi về nhà sớm hơn. Hơn nữa, không ai phụ thuộc vào tôi và tôi cũng không phụ thuộc ai cả. Và mặc dù tôi ở cùng 7 người khác trong nhà, nhưng tôi vẫn có thể đi ngủ sớm như tôi mong muốn.
5. Thể chất của bạn giúp bạn rất nhiều.
Về vấn đề ngủ, tôi nghĩ rằng mình là đứa may mắn nhất thế giới! Tôi có thể ngủ ngay lập tức sau 5 phút, ít khi bị tỉnh giấc khi ngủ và có thể ngủ bất kì đâu cũng được.
Đương nhiên, những điều trên phụ thuộc vào lối sống của tôi: tôi ăn đủ bữa, đủ chất, tập luyện thể thao mỗi ngày và không có lo lắng gì quá lớn lao trong cuộc sống của mình. Nhưng kể cả thể, tôi nghĩ rằng nhiều người vẫn có thể thay đổi thói quen giấc ngủ của họ. Thường thì phải mất một ít thời gian, bạn thay đổi những cái nhỏ nhặt trước, dần dần sẽ dẫn đến những cái lớn hơn. Để đạt được một sức khoẻ như bây giờ, tôi đã phải tập luyện rất nhiều.
6. Hãy vứt cái nút ‘báo thức lại’ đi!
Thường thì tôi chẳng dùng nút đó bao giờ, và sau thử thách này tôi thấy cái nút đó càng vô dụng. Với tôi, nút ‘báo thức lại’ là cái phát minh dở hơi nhất quả đất, chẳng giúp được ai cả. Nếu bạn muốn dậy vào một giờ nhất định, hãy thức dậy đúng giờ đó chứ đừng ngủ thêm 10 phút nữa!
Chỉ một lần ấn cái nút ‘báo thức lại’ sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu suất của bạn cả ngày – một nghiên cứu đã chỉ ra rằng bạn sẽ càng mệt mỏi hơn sau khi ngủ thêm 10 phút.
7. Tôi cũng thích ngủ lắm, nhưng cơ thể tôi chỉ cần 6-7 tiếng nghỉ ngơi thôi.
Sau 6-7 tiếng, tôi chẳng thấy thoải mái gì nữa khi cứ nằm ì trên giường, tôi thích ra ngoài và làm điều gì đó thú vị hơn. Vì khi tôi nằm trong quan tài rồi, tôi sẽ tha hồ mà ngủ.
8. Thêm nhiều thời gian làm việc.
Kể từ khi tôi bắt đầu dậy từ 4:30 sáng, tôi có thêm 2 giờ làm việc mỗi ngày. Làm thế nào? Như tôi đã nói ở trên rồi đấy, tôi là người dậy khá sớm và thường sau 6 giờ chiều, tôi sẽ chẳng thể tập trung vào công việc nữa. Vì vậy tôi quyết định cắt đi 2 tiếng thừa thãi buổi tối đi ngủ sớm và sáng hôm sau tôi có thêm 2 tiếng để làm việc. Làm việc buổi sáng sớm trong tĩnh lặng khi cả thế giới vẫn đang ngủ quả thật cực kì là hiệu quả!
9. Tôi trả lời hết các tin nhắn của mình.
Thường trong 2 giờ đầu sáng này, tôi sẽ trả lời mọi email và tin nhắn và dành thời gian lên kế hoạch cho phần còn lại trong ngày. Vào 6.30 sáng là lúc tôi chẳng còn tin nhắn nào để đọc nữa. Và điều tuyệt vời hơn cả là tôi không cần phải trả lời công việc nào cấp bách nữa. Đặc biệt là những tin nhắn trên Facebook, nếu bạn không phân bổ thời gian hợp lý thì việc bạn dành cả ngày để chat chit trả lời qua lại với bạn bè ở Messenger cũng là điều bình thường. Và bạn thử nghĩ mà xem, đa số mọi người chẳng cần bạn phải trả lời tin nhắn của họ ngay đâu, chờ một tí cũng chẳng chết ai mà.
10. Nhiều thời gian tập gym hơn.
Trước thử thách #21earlydays, tôi đã thường xuyên đi tập gym rồi. Nhưng từ khi bắt đầu thử thách này và dậy sớm từ 4h30 sáng, tôi dành nhiều thời gian để tập hơn. Trước đây tôi tập khoảng 3 buổi tuần, bây giờ tôi có thể tăng con số đó lên 5 buổi. Việc dậy sớm trước 2 tiếng giúp tôi có nhiều thời gian xử lý công việc hơn, và tôi có thể tập gym ngay buổi sáng mà không phải chờ đến lúc uể oải sau giờ làm để tập nữa.
11. Một thế giới mới.
Bạn đã bao giờ dậy sớm và ngắm nhìn đường phố xung quanh mình như thế nào chưa? Ngắm phố đêm khi chưa lên đèn và ngắm bình minh dần dần lên cũng thú vị lắm.
12. Bạn cần sự quyết tâm để làm được thử thách này.
Nếu bạn không quyết tâm, chẳng ai quyết tâm thay bạn được cả, và khả năng cao là bạn sẽ bỏ cuộc. Nếu bạn có lòng quyết tâm, chẳng ai có thể ngăn cản được bạn.
(Bài viết được dịch nguyên bài của tác giả Filipe Castro Matos từ Business Insider ).
Nguồn: 8morning